Hơn 30 năm làm bánh, mứt... bà Đặng Thị Ái Liên không chỉ giỏi nghề mà còn truyền đạt kinh nghiệm lại cho nhiều sinh viên
“Cô Liên ơi, mứt sên như vậy tới chưa?”; “Cô Liên ơi, thạch cắt như vậy đạt yêu cầu chưa?”. Nhiều sinh viên của Trường Cao đẳng (CĐ) nghề TPHCM xoay quanh người đàn bà nhỏ nhắn để hỏi về kỹ thuật làm bánh, mứt, thạch trái cây. Người đàn bà ấy vừa giải đáp thắc mắc cho từng học viên vừa kiểm tra sản phẩm. Bà chính là Đặng Thị Ái Liên, chủ cơ sở bánh mứt Ái Liên (quận 3-TPHCM).
Làm mứt truyền thống
Đưa chúng tôi tham quan quy trình sản xuất nơi mà những sinh viên đang thực hành trên các sản phẩm, ông Vũ Duy Uy, Trưởng Khoa Công nghệ Thực phẩm Trường CĐ nghề TPHCM, lý giải: “Tuy không phải là giáo viên nhưng sinh viên ở đây đều coi chị Liên là thầy và các em cũng không ngại hỏi những điều chưa hiểu trong quy trình sản xuất. Bởi với hơn 30 năm kinh nghiệm trong nghề làm bánh, mứt... chị Liên sẽ truyền đạt kiến thức cũng như kỹ năng tốt nhất cho sinh viên khi học nghề”.
xưởng sản xuất theo mô hình liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp
Bà Đặng Thị Ái Liên kể: “Gia đình tôi trước đây sống bằng nghề làm mứt. Hai món mứt truyền thống mà mẹ tôi làm bấy giờ là mứt mãng cầu và mứt me. Tuổi thơ của tôi gắn liền với những trái mãng cầu chín mọng, những trái me chua hòa lẫn mùi thơm của đường, vani trong những dịp tết đến”.
Hơn 10 tuổi, bà Liên đã nắm vững các công đoạn làm mứt. Đến khi lấy chồng, cuộc sống gia đình ngày một khó khăn, bà quyết định nghỉ việc ở Tổng cục Đường sắt chuyển sang nghề làm bánh, mứt. Bà mở cơ sở nhỏ sản xuất mứt me, mứt mãng cầu vốn là sản phẩm truyền thống của gia đình. Trong kinh doanh, bà xác định rõ tiêu chí phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Chính vì thế mà những sản phẩm mứt của bà lúc bấy giờ không chỉ được khách hàng trong nước tin dùng mà còn được xuất khẩu sang các nước như Mỹ, Canada, Úc...
Liên kết nhà trường và doanh nghiệp
Đến nay, xưởng đã giải quyết chỗ thực tập cho hàng trăm sinh viên mỗi năm và 100% sinh viên của Khoa Công nghệ Thực phẩm Trường CĐ nghề khi tốt nghiệp có việc làm với mức lương cao. Sinh viên Phan Hữu Nhiên, hiện đang học năm nhất của trường, cho rằng: “Thông qua mô hình này, tôi biết rõ các công đoạn cũng như kỹ thuật làm bánh, mứt. Với những kiến thức được học, tôi sẽ nhanh chóng có tay nghề giỏi, có việc làm khi tốt nghiệp”.
Không chỉ tạo điều kiện cho sinh viên được học nghề mà cơ sở Ái Liên cũng là nơi giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Anh Đặng Thanh Long (quận 3-TPHCM), hơn 30 năm gắn bó với cơ sở, cho rằng: “Tôi quý chị Liên không chỉ vì tay nghề giỏi mà chị hết lòng vì người lao động. Ngay cả lúc tôi cưới vợ, chị còn đứng ra tổ chức đám cưới cho vợ chồng tôi. Ngoài ra, mỗi khi gia đình tôi gặp khó khăn, chị đều hỗ trợ một cách nhiệt tình. Không chỉ riêng tôi mà nhiều nhân viên ở đây đều nhận được sự hỗ trợ của chị mỗi khi gặp khó khăn”.